Dẫn nhập
Trong đời sống tâm linh và lễ nghi của người Việt, tang lễ không chỉ là nghi thức tiễn biệt người đã khuất, mà còn là dịp để thể hiện trọn vẹn đạo hiếu. Trong hệ thống tang lễ truyền thống, đặc biệt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tục “chống gậy” là một nghi lễ quen thuộc, thường được thực hiện bởi người con trai trưởng hoặc người kế tự trong gia đình. Cây gậy trong tang lễ là biểu tượng cho lòng hiếu thảo, kế nghiệp gia tiên. Vì sao như vậy? Trong bài này xin được lần hồi về quá khứ, đi tìm nguồn cội xuất phát, từ khái niệm, đến quan niệm đã thành phong tục.
Khái niệm
Gậy là gì?
Nghĩa của chữ “Gậy” trong tiếng Việt, tức chữ “Trượng/杖” trong chữ Hán, ngày nay không thay đổi so với ngày xưa, và cũng là từ phổ biến trong hải chúng tứ phương. Gậy là một đoạn gỗ hoặc kim loại có chiều dài nhất định (khoảng 2/3 chiều cao cơ thể người dùng), dùng để cầm trên tay, chống đỡ cho con người khi không đi, đứng vững. Về mặt từ nguyên trong Hán tự gồm chữ “mộc/木” ghép với chữ “trượng/丈”, chữ mộc lập ý, chữ trượng lập thanh, được cấu tạo theo phép hài thanh.
Cụ thể, theo Thuyết văn giải tự: “杖,持也。从木,丈聲/ trượng, trì dã. tòng mộc, trượng thanh” . Cũng vì chức năng chống đỡ của trượng/gậy nên việc xuất hiện của nó gắn liền với những bậc trưởng lão, tuổi cao, sức yếu, gân xương lỏng lẻo. Và từ đó, cây trượng/gậy tự bản thân nó hình thành một biểu tượng để biểu thị cho bậc trưởng thượng, quyền uy.
Sách Nghi Lễ, Tứ khố toàn thư, Thanh triều (Trung Hoa)
Sách Lễ Ký 禮 記, thiên Khúc lễ thượng 曲禮上: “Bậc đại phu đến bảy mươi thì được miễn chức. Nếu không thể lui về, ắt sẽ được ban cho kỷ trượng (bàn nhỏ và gậy chống).”
Theo Lễ Ký 禮記, phần Thiên Vương Chế 王制: “Lục thập trượng ư hương, thất thập trượng ư quốc/ tức, sáu mươi chấp giữ việc làng, bảy mươi chấp giữ việc nước”.
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng chép: “Gậy: Đoạn tre hay gỗ dùng để chống, để đánh. Cha chết thì con chống gậy tre, mẹ chết thì con chống gậy vông. Gậy của phu nhân”[1]. Theo Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê, gậy được định nghĩa là: “Đoạn tre, gỗ, v,v, trong, cầm vừa tay, thường dùng để chống khi đi hoặc đánh.”[2]
Tóm lại, gậy (trượng) vốn chỉ một que gỗ dài, dùng để chống đỡ, làm điểm tựa, hoặc làm vũ khí, vừa như một biểu tượng của người trưởng lão.
Nhưng bên cạnh đó, cách đây hơn 3000 năm, có một hình thức phái sinh của cây trượng/gậy khi chức năng của nó xuất hiện trong nghi thức tang lễ thời Tây Chu.
Gậy tang – Biểu tượng hiếu đạo và lễ nghi
Xin xét riêng khái niệm: “trượng khốc tang bồng”. Loại gậy này được ghi chép từ rất sớm trong các thư tịch cổ của Trung Hoa. Biên chép trong sách Lễ Ký có các thiên: Tang đại ký, Tang phục tiểu ký, Phẫn tang, Vấn tang. Sách Nghi lễ có thiên Tang phục.
Sách Lễ Ký – Vấn Tang, chép: “《禮記・問喪》曰:杖者何也?曰:‘竹、桐一也。故為父苴杖,苴杖,竹也;為母削杖,削杖,桐也。Gậy tang là gì? Đáp: ‘Trúc và đồng (gỗ ngô đồng) đều được dùng. Cho cha thì dùng gậy bằng tre thô, gọi là “trư trượng”; cho mẹ thì dùng gậy gỗ đồng đã gọt vỏ, gọi là “tước trượng.” Sách Nghi lễ, thiên Tang phục (đời Hán), “hữu: trảm thôi, thường, tư điệt, trượng, giảo đới, quan thằng anh, gian lũ./ “gồm: áo tang (may bằng cỏ gai), áo thường, dây vải cối, gậy chống, thắt lưng vặn, mũ buộc dây cỏ, dép bằng cỏ giang.”[3]
Sách Nghi lễ này đã có quy định lễ tiết “trảm thùy hiếu tử trượng kỳ, bất trượng kỳ”: “Trảm thôi là tang phục mà con trai để tang cha mẹ, vợ để tang chồng. Cha mất mà mẹ còn thì phải “trượng kỳ”, tức là chống gậy khóc tang suốt một năm, còn mẹ mất mà cha còn thì không cần chống gậy khóc tang. Chồng mất, nếu cha mẹ chồng còn sống thì không cần chống gậy; nếu cha mẹ chồng đã mất thì phải chống gậy suốt một năm.”
Sách còn chép: “Gậy của hiếu tử gọi là “ai trượng”, dùng để chống đỡ thân thể vì đau buồn quá độ”. Nghĩa là hiếu tử thương tiếc thân nhân, đau xót đến mức không tự đứng vững, phải dùng gậy để chống đỡ lấy cái thân mình.
Lễ ký, Vấn tang, quyên 17, khắc năm Gia Khánh, Mậu Dần (1818).
Như vậy, trượng khốc tang bồng 杖哭喪篷: có nghĩa là: gậy khóc (trong) lễ tang.
Tác giả Lê Văn Đức chép trong Việt Nam tự điển như sau: “Gậy tre: Cây gậy bằng tre. Cây gậy ngắn, nhỏ bằng tre một đầu có bịt vải tang để người con trai hay cháu nội trai có tang cha hay ông nội chống đi khi đi chân. Gậy vông: Cây gậy bằng nhành vông, có bịt vải tang một đầu để người con trai cháu nội chống đi khi chôn mẹ hay bà nội.”[4]
Các cụ xưa vẫn thường nói một cách hãnh diện: “Có thằng chống gậy”. Câu nói ấy không chỉ là lời buông ra trong lúc trà dư tửu hậu, mà là niềm tự hào rằng có con trai nối dõi tông đường, khi qua đời sẽ có người lo đủ tang tế, đứng chống gậy mà khóc tiễn đưa. Cây gậy lúc trở thành trách nhiệm gánh vác gia tộc, tiếp nối huyết mạch, thay cha mẹ đứng vào vị trí trụ cột.
Cuốn Thọ Mai Gia Lễ, phần Tang phục cha mẹ cũng cho hay: “Tang cha sinh ra mình thì khăn sô gấu để 3 năm, gậy dùng tre. Mẹ sinh ra mình thì vén gấu 3 năm dùng gậy bằng gỗ vông.”[5]
Thọ Mai Gia Lễ, bản Hán Văn, khắc thời Tự Đức, Đinh Sửu (1877).
Bên cạnh đó, trong bộ hình luật của triều Nguyễn, tức “Hoàng Việt luật lệ”, được ban hành theo lệnh của vua Gia Long có phần giải thích về quy chế tang phục như sau: “Dùng cây thiên trúc (trúc trời) làm biểu tượng cho con trai, xuyên bốn mùa không thay đổi, nỗi đau cũng theo bốn mùa không đổi vậy. Mẹ thì dùng cây đồng (cây ngô đồng), chữ “đồng” có nghĩa là đồng tâm, đồng học, ngoài không lấy đốt, trong giữ đoạn trên, bó lại để tượng trưng cho thiên hạ chia hai phương từ gia tộc, song gốc đều ở dưới – trúc và đồng là một.”[6]
Công trình khảo cứu phong tục – cuốn Việt Nam phong tục ghi chép tục lệ này. Ở mục Tang ma, soạn giả Phan Kế Bính nhắc tới hai loại gậy khác nhau mà con trai dùng để chống trong lễ tang của cha hoặc mẹ:
“Hôm cất ma gọi là ngày phát dẫn. Hôm ấy, con cháu, anh em và người quen biết đều đi đưa cả.
Cha mất thì con trai chống gậy tre, mẹ mất thì chống gậy vông. Con trai nào mất trước rồi thì con trai người ấy phải chống thay cho cha; hoặc con nào đi vắng thì treo cái gậy ấy ở đầu đòn đại dư. Nếu không có con trai thì ai vào ăn thừa tự phải chống gậy. Con gái, con dâu thì lăn đường cho cha mẹ mới là có hiếu.”[7]
Tác giả Nhất Thanh ghi chép trong cuốn “Đất lề quê thói – phong tục Việt Nam”: “Ngay sau khi thiết linh tọa thì làm lễ thành phục.
Sắp sẵn đủ đồ tang phục cho con trai, con gái, con rể và anh em. Nhà bình dân mọi người vào lạt trước linh tọa cùng trầu rượu rồi ra lấy áo tang mặc vào, có nhà mượn thầy cúng làm lễ. Con trai đội mũ nùn quấn bẹ chuối, mặc áo sô gai, cầm gậy, cha gậy tre mẹ gậy vông, con dâu cũng mặc áo sô gai, thắt lưng ra ngoài bằng dây bện bẹ chuối, áo sô gấu hoặc không (tùy trường hợp còn cha hay còn mẹ) cũng như con gái còn ở nhà khác con gái đã đi lấy chồng, áo có sô gấu và không, mọi người đều xõa tóc đội mũ mấn.”[8]
Tác phẩm cũng cho biết thêm: “Con cháu đi theo linh cữu, con trai đều mũ gậy, người nào vắng thì mũ gậy quàng buộc trên đầu đòn, đưa đám cha thì chống gậy tre đề tròn, đưa đám mẹ thì chống gậy vông đầu vuông […] Đưa đám mẹ thì chỉ riêng con trai đi trước linh cữu, chống gậy bụng miệng đi giật lùi; Cha đưa mẹ đón là ý rằng cha nghiêm (nghiêm đường, nghiêm phụ) con chỉ biết lẽo đẽo theo khóc, không dám lên phía trước đòn ngăn lại trên đường vĩnh biệt như đối với mẹ hiền (gia từ, tử mẫu).”[9]
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà các con trai trong lễ tang đều phải chống gậy. Tre hay gọi chung là trúc là loài cây quanh năm xanh tốt, không thay lá theo mùa, biểu hiện cho tấm lòng thanh liêm, tiết tháo và đạo đức không đổi dời của người cha trong gia đình. Hình tròn của thân trúc là hình ảnh của bầu trời bao la, lòng trúc rỗng nhưng thẳng, tượng trưng cho sự cương trực mà khiêm cung của người quân tử. Chống cây gậy tre đi bên linh cữu cha không chỉ là một hành động đưa tiễn, mà còn là sự nguyện thừa kế khí tiết, nối chí làm người.
Ngược lại, khi mẹ mất, người con chống gậy vông, tức cây ngô đồng, có phần gốc lớn hơn ngọn, tượng trưng cho trái đất hình vuông, bốn góc vững chãi, ổn định, như công ơn sinh dưỡng âm thầm mà bền vững của người mẹ. Từ ngữ “mẹ tròn con vuông” mà dân gian vẫn nói không chỉ là câu chúc khi sinh nở, mà còn hàm chứa một quan niệm vũ trụ học cổ truyền: trời tròn, đất vuông; cha là trời, mẹ là đất, con người sinh ra là kết quả hòa hợp âm dương.
Trong Kinh Dịch, Phục Hy vạch Hà Đồ, Lạc Thư, đã lấy mô thức trời tròn – đất vuông làm nền tảng tư tưởng vũ trụ. Hình tròn tượng trưng cho không gian vô hạn, vận hành không ngừng, còn hình vuông tượng trưng cho sự ổn định, phương hướng, quy phạm của trần gian. Những hình ảnh ấy không chỉ dừng ở chiêm nghiệm triết lý, mà đi vào từng chi tiết tang lễ: gậy tang cha là tròn, gậy tang mẹ là vuông, tượng trưng cho trời đất phối sinh, cha mẹ sinh dưỡng, đạo hiếu nối truyền.
Cội nguồn tục chống gậy
Tục chống gậy, xét về khởi nguyên, không chỉ là một nghi thức mang tính biểu tượng, mà trước hết xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn trong hoàn cảnh tang ma xưa. Người xưa quan niệm rằng, khi cha mẹ qua đời, người con có hiếu phải túc trực bên linh cữu suốt ngày đêm, không rời nửa bước: “Khi nhập quan thì con cái sắp hàng ở trước quan tài để khóc và làm lễ. Những người giúp việc khiêng xác bỏ vào quan rồi khiêng quan đặt ở giữa nhà. Từ bây giờ, con cái phải trải rơm ở hai bên linh cữu mà thay phiên nhau ngồi hầu suốt đêm ngày.”[10]
Không chỉ vậy, phong tục tang ma truyền thống của người Việt xưa vốn kéo dài và bao gồm rất nhiều nghi thức, liệt kê trong các sách phong tục, lễ nghi cổ. Cuốn sách Tục cưới hỏi và ma chay của người Việt – Thọ Mai Gia Lễ, tại Chương ba – Luận về việc tống chung có ghi chép đến trên mười hai nghi lễ liên tiếp từ khi người thân mất cho đến lúc hạ huyệt như sau:
- Lúc chết.
- Phạn hàm và chiêu hồn.
- Lễ nhập liệm.
- Đặt linh sàng và thiết linh tọa.
- Triệu tịch điển thượng trực.
- Lễ thành phục.
- Tạ hiếu.
- Lễ chuyển cữu.
- Lễ cất đám.
- Nghi trượng dẫn táng.
- Trung đồ trạm.
- Lễ hạ huyệt.
Ban ngày lo nghi lễ, tiếp khách điếu tang; ban đêm nằm rơm gối đất, không ăn uống đầy đủ, tinh thần suy kiệt, thể xác tiều tụy. Để đi lại không ngã quỵ khi ra làm lễ phát dẫn, người ta phải dựa vào một cây gậy để giữ thăng bằng, vừa là phương tiện chống đỡ thân thể, vừa là dấu hiệu bày tỏ sự đau đớn, gầy mòn của người sống.
Thêm vào đó, hoàn cảnh địa lý và phong tục chôn cất ngày xưa cũng góp phần hình thành tục lệ này. Nhiều vùng quê xưa có phong tục chôn người đã mất ở những nơi xa khu dân cư: trên núi cao, trong rừng sâu, nơi có hang đá hoặc triền núi hiểm trở. Đường đi lại khúc khuỷu, dốc dựng, thậm chí trơn trượt.
Trong nhiều giai thoại dân gian còn lưu truyền, có người con vì quá thương cha mẹ, khóc đến ngất lịm, có người đập đầu vào đá, người khác vì xúc động mà ngã xuống vực. Những cái chết vì quá thương tiếc đó thường bị gọi là trùng tang, khiến người sống hoảng sợ và dân gian phải đặt ra các lệ phòng ngừa, trong đó có lệ quấn khăn tang dày quanh đầu để tránh chấn thương, và lệ chống gậy để giữ vững khi đi đưa đám trên những cung đường hiểm trở.
Cũng từ đây, tục chống gậy không chỉ là một biện pháp hỗ trợ thể xác, mà dần được linh thiêng hóa, trở thành một nghi thức trang nghiêm trong lễ tang truyền thống.
Các thư tịch cổ phương Bắc như Lễ Ký – Vấn tang (khoảng thế kỷ II TCN, thời Tây Hán) và Nghi Lễ – Tang phục văn túc vi ký (in từ bản khắc đời Khang Hy, tức là trong khoảng thế kỷ XVII – XVIII) là những bộ sách đặt nền móng cho toàn bộ hệ thống lễ nghi Nho giáo, đều ghi nhận vai trò của trượng – gậy trong các nghi thức tang ma. Những sách này quy định cụ thể hình dạng gậy, vật liệu sử dụng, cũng như cách dùng khác nhau giữa tang cha và tang mẹ. Qua đó, có thể thấy tục chống gậy là một phần chính thức của nghi lễ tang trong hệ tư tưởng lễ trị của Trung Hoa cổ đại.
Tuy vậy, tại Việt Nam, trước thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII), chưa tìm thấy văn bản bản địa nào quy định cụ thể về tục chống gậy trong tang lễ. Điều này có thể do tư liệu thất tán hoặc phong tục còn mang tính khẩu truyền, chưa hệ thống hóa thành văn bản. Chỉ đến khi tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (hiệu Thọ Mai, 1690-1760) biên soạn sách Thọ Mai gia lễ, tục chống gậy mới được định hình rõ nét như một phần của hệ thống tang phục.
Ông Hồ Sĩ Tân đã tham khảo nhiều thư tịch Nho giáo, trong đó có Lễ Ký, Nghi lễ, nhưng đồng thời cũng chắt lọc từ thực tiễn phong tục Việt Nam. Nhờ vậy, Thọ Mai gia lễ không chỉ là bản Việt hóa tinh thần lễ nghi Trung Hoa mà còn là tác phẩm nền tảng định hình chuẩn mực tang lễ của người Việt trong suốt hơn ba thế kỷ qua.
Ngoài ra, đến triều Nguyễn, tục lệ này được quy định cụ thể trong bộ luật triều đình, quy cách gậy tang ghi trong “Hoàng Việt luật lệ” như sau: “Cây gậy dài ngang với tim người, hiếu tử khóc than, đến độ thân thể hao mòn, yếu đuối, dùng áo quần thô ráp (khổ hạnh) để thể hiện lòng thành kính từ tim.”[11]
Ngoài tục chống gậy, tang phục còn bao gồm mũ rơm, áo xô gai chuối, dép cỏ đều nhằm một mục đích chung là biểu lộ tận cùng nỗi đau mất mát và thể hiện sự khiêm cung, giản phác. Những vật này tuy đơn sơ, giản dị nhưng góp phần giữ cho tang lễ diễn ra trang nghiêm và an toàn, nhất là trong những ngày dài đêm thâu đầy xúc động và thể lực suy kiệt của người trong gia quyến.
Sự tiếp nối và chuyển hóa trong xã hội hiện đại
Ngày nay, xã hội ngày càng văn minh và hiện đại, việc tổ chức tang lễ cũng dần được điều chỉnh để phù hợp. Trong các đám tang ở thành thị, tang phục truyền thống dần được thay thế bằng áo vest đen, khăn trắng, đơn giản và gọn nhẹ hơn. Thế nhưng, không ít gia đình vẫn giữ lại hình ảnh thiêng liêng của cây gậy và chiếc mũ rơm, hoặc là con cháu trực tiếp chống gậy đứng bên linh cữu, hoặc đặt cây gậy tre có treo mũ rơm ở đầu gậy bên bàn thờ người đã khuất như một cách gìn giữ mạch đạo xưa.
Tất nhiên, tục lệ không hoàn toàn đồng nhất trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi vùng, mỗi địa phương, thậm chí mỗi dòng tộc đều có những điều chỉnh và linh hoạt riêng trong cách tổ chức tang lễ. Có nơi vẫn giữ hình thức cổ truyền đầy đủ, có nơi giản lược, nhưng dù hình thức có thay đổi, thì tinh thần của tục lệ, đạo hiếu và lòng tưởng nhớ vẫn được gìn giữ.
Bởi lẽ, trong tâm thức người Việt, “đất có lề, quê có thói”, tang lễ không chỉ là nghi thức tiễn biệt, mà là dịp để thể hiện tấm lòng hiếu kính với đấng sinh thành, là một phần hồn cốt văn hóa không thể tách rời khỏi bản sắc dân tộc.
Kết luận
Trải qua hàng trăm năm, tục lệ này vẫn luôn được duy trì và tiếp tục thích nghi với đời sống hiện đại: có thể giản lược về hình thức nhưng vẫn giữ lại cốt lõi là tấm lòng hiếu nghĩa và sự tưởng niệm sâu sắc đối với bậc sinh thành. Bằng việc lần lại khái niệm, nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa của cây gậy trong tang lễ, bài viết hy vọng đã góp thêm một góc nhìn để hiểu và trân trọng hơn giá trị của những phong tục truyền thống – nơi kết tinh tinh thần nhân văn, đạo lý gia đình và mạch sống dân tộc xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại.
Chú thích
- Hội khai trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, 1931, tr. 206.
- Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr 377.
- Lễ ký, Vấn tang, quyên 17, tờ 5b, sách khắc năm Gia Khánh, Mậu Dần (1818).
- Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, quyển Thượng A-L, Nhà sách Khai Trí, 1970, tr. 523.
- Chu Ngọc Chi, Thọ Mai Gia Lễ, Nxb Hưng Long, tr 24.
- Sách Hoàng Việt luật lệ, phần Tang phục tổng đồ.
- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, 1995, tr. 30.
- Nhất Thanh, Đất lề quê thói – Phong tục Việt Nam, Cơ sở xuất bản Đại Nam, năm? tr. 412 – 413.
- Nhất Thanh, Đất lề quê thói – Phong tục Việt Nam, sđd, tr 420.
- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, tr 232.
- Sách Hoàng Việt luật lệ, phần Tang phục tổng đồ.
Tài liệu tham khảo
- Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Phan Kế Bính (1995), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học.
- Chu Ngọc Chi, Thọ Mai Gia Lễ, Nxb Hưng Long.
- Nhất Thanh, Đất lề quê thói – Phong tục Việt Nam, Cơ sở xuất bản Đại Nam.
- Nguyễn Q. Thắng (2002), Lược khảo Hoàng triều Luật lệ, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Trương Thìn (2007), Nghi thức Tang lễ và Văn khấn truyền thống, Nxb Hà Nội.
- Lễ ký, Vấn tang, khắc năm Gia Khánh, Mậu Dần (1818).
- Nghi Lễ, Tứ khố toàn thư, Thanh triều (Trung Hoa).
- Thọ Mai Gia Lễ, bản Hán Văn, khắc thời Tự Đức, Đinh Sửu (1877).
- Henri Oger, Kỹ thuật người An Nam
Tạ Thị Ngọc Ánh.